Những Kinh nghiệm "Then Chốt" Khi Làm Kế Toán Thuế Cho Doanh Nghiệp

  • VP Office
Những Kinh nghiệm

Ở bất kỳ doanh nghiệp lớn và nhỏ nào thì Kế toán thuế luôn là vị trí cực kỳ quan trọng. Để hạn chế thấp nhất mức thuế phải nộp và tránh vi phạm Luật thuế, doanh nghiệp cần nắm những kinh nghiệm sau đây.

 


I. Nghiệp vụ và chức năng của Kế toán thuế


     Kế toán thuế được xem là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Khi doanh nghiệp thành lập bắt buộc phải có bộ phận Kế toán thuế để doanh nghiệp hoạt động ổn định và tồn tại dưới sự quản lý của pháp luật. Và ngược lại, Nhà nước chỉ có thể quản lý được nền kinh tế nhiều thành phần khi có Kế toán thuế.

     Về chức năng, khi công ty được thành lập, bộ phận Kế toán thuế sẽ thực hiện việc kê khai và nộp lệ phí môn bài (là sắc thuế trực thu và được định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp, lúc khởi điểm lấy tên là thuế công thương, năm 1996 đổi tên thành thuế môn bài). Sau đó, khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, bộ phận Kế toán thuế sẽ tiến hành: Tập hợp hóa đơn, các chứng từ phát sinh của doanh nghiệp để theo dõi và hạch toán; lập các báo cáo thuế, tài chính, tổng hợp thuế GTGT,…và các công việc khác có liên quan.


II. Làm kế toán thuế liệu có dễ dàng?


     Kế toán thuế là 1 lĩnh vực đặc thù nên trọng trách của người làm Kế toán thuế rất lớn, nó đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn sâu, kinh nghiệm và sự nhạy bén để xử lý các tình huống có thể phát sinh đối với doanh nghiệp, để từ đó đưa ra phương án giải quyết nhanh chóng.
     Nghiệp vụ Kế toán thuế cũng rất phức tạp, người làm Kế toán thuế cần dự liệu trước tình hình, cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc để tránh xảy ra sai sót, gây tổn hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp.

 

III. Quy trình Kế toán thuế cho doanh nghiệp


1. Doanh nghiệp mới thành lập: gồm các bước sau:

     Bước 1: Sau khi doanh nghiệp có giấy chứng nhận ĐKKD thì tiến hành mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp;
     Bước 2: Mua phần mềm chữ ký số để kê khai và đăng ký nộp thuế điện tử qua mạng;
     Bước 3: Lập tờ khai và nộp thuế môn bài;
     Bước 4: Đăng ký phương pháp tính thuế GTGT và lập mẫu gửi tới cơ quan thuế;
     Bước 5: Tổng hợp hóa đơn, chứng từ để thực hiện báo cáo và nộp thuế;
     Bước 6: Hạch toán sổ sách dựa trên các chứng từ hóa đơn;
     Bước 7: Đối chiếu sổ sách, lập báo cáo tài chính năm;
     Bước 8: In sổ sách, ký, đóng dấu;
     Bước 9: Lưu trữ chứng từ, sổ sách.

2. Doanh nghiệp đang hoạt động
     Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, khi làm Kế toán thuế, bạn cần lưu ý các công tác tiếp nhận, bàn giao chứng từ, sổ sách kế toán.

 

IV. Kinh nghiệm khi làm Kế toán thuế cho doanh nghiệp


1. Ghi nhớ tập hợp hết hóa đơn đầu vào và đầu ra trong tháng hạch toán
     Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường quên không kê khai, bỏ sót hóa đơn đầu vào và đầu ra. Để tránh trường hợp không được khấu trừ hay mất thời gian kê khai bổ sung, điều chỉnh lại thì người làm kế toán thuế cần phải thực hiện theo các bước:

     - Sàng lọc từng hóa đơn hợp lệ và chưa hợp lệ, kiểm tra số tiền trên hóa đơn có đảm bảo chính xác chưa.
     - Kế toán công nợ hoặc doanh thu kê khai thuế đầu ra (theo mẫu) kèm 1 liên hóa đơn.
     - Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trong tháng theo quy định.
     - Phải nhớ tập hợp hết hóa đơn đầu vào và đầu ra trong tháng hạch toán


2. Kiểm tra, kê khai thuế đầu vào và thuế đầu ra
     Để lên biểu kê khai nộp thuế (theo mẫu quy định) đúng thời gian quy định thì việc làm cần thiết và nhanh chóng là kiểm tra, kê khai thuế đầu vào và thuế đầu ra, không được bỏ sót, hoặc để quá hạn và tránh bị cơ quan thuế điều tra.

 

3. Theo dõi chi tiết tài khoản 133 và 333
     Cần theo dõi chi tiết tài khoản 133 và 333 đảm bảo số hạch toán khớp với số kê khai, điều chỉnh sổ kế toán hoặc điều chỉnh kê khai thuế nếu phát hiện chênh lệch số liệu.
     Đặc biệt, kế toán thuế phải đảm bảo thuế đầu ra đã kê khai phải khớp với doanh thu chịu thuế hạch toán trong kỳ, Quyết toán thuế năm…

 

4. Kê khai nộp thuế môn bài, TNDN, TNCN theo đúng quy định
     Đối với một người làm công việc kế toán thuế thì việc nộp muộn thuế là điều “cấm kỵ”. Họ phải nắm rõ những quy định về thời hạn nộp thuế của từng sắc thuế để chủ động nộp trước ngày hết hạn, tránh bị cơ quan thuế nhắc nộp và bị phạt nộp chậm.

     Giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, bạn cần ghi rõ tài khoản doanh nghiệp và của cơ quan thuế trên giấy nộp tiền, chú ý tới ý nghĩa của mục lục ngân sách nhà nước có liên quan (cấp, chương, loại, khoản, mục, tiểu mục) để đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch.
     Phải lập tờ khai khi phát sinh khoản phải nộp (không thuộc các loại thuế thông thường) cho cơ quan thuế.

 
5. Thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan thuế
     Ngoài việc kê khai và nộp thuế đúng hạn thì Kế toán thuế cũng nên giữ liên lạc với cơ quan thuế để cập nhập những thông tin mới nhất và hỏi đáp những vấn đề cần thiết khi mắc phải trong quá trình làm việc.

6. Cập nhật tất cả các thông tư nghị định mới nhất của Luật thuế 1 cách liên tục
     Việc cập nhật các thông tư nghị định mới nhất của Luật thuế, các chính sách ưu đãi của chính phủ sẽ giúp giảm số thuế phải nộp cho doanh nghiệp tránh mắc sai sót trong công việc.

Trên đây là 6 kinh nghiệm "then chốt" khi làm Kế toán thuế doanh nghiệp mà bạn cần nắm vững. Hãy áp dụng ngay những kinh nghiệm này hằng ngày để tránh sai sót và đạt hiệu quả cao nhất bạn nhé!

Chúc bạn có 1 ngày làm việc thật vui vẻ!

Chia sẻ bài viết này: